Sản phẩm Fucoidan từ rong biển của Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang
Lần đầu tiên các nhà khoa học Việt Nam đã phát hiện được hàng trăm hợp chất trong đó có những hợp chất mới, những hợp chất được đánh giá có hoạt tính chống ung thư, kháng sinh, đây là những nguyên liệu phục vụ cho các nghiên cứu sâu về dược lý nhằm tạo ra các sản phẩm cụ thể điều trị những bệnh hiểm nghèo từ chính các cây, con trên biển.
Nghiên cứu này được thực hiện bởi cụm công trình: “Khai thác sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên sinh vật Biển Việt Nam nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị phục vụ cuộc sống” do các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (gồm các Viện Hóa sinh biển, Viện Hóa học các Hợp chất thiên nhiên, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang, Viện Tài nguyên Môi trường Biển Hải phòng) thực hiện. Công trình vinh dự được trao giải thưởng Nhà nước về Khoa học công nghệ năm 2010.
Đóng góp lớn
TS Nguyễn Hoài Nam, Phó Viện trưởng Viện Hóa sinh biển,Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, thành viên của cụm công trình cho biết, công trình cung cấp bộ tư liệu tổng quát về các nhóm dược liệu, khu vực chứa dược liệu, các quy trình chiết xuất hoạt chất (dạng sáng chế), các số liệu về hoạt tính sinh học của các mẫu, các hợp chất mới và các hợp chất có hoạt tính sinh học. Đã phát hiện ra hàng trăm hợp chất trong đó có những hợp chất mới, lần đầu tiên được phát hiện từ thiên nhiên đóng góp rất lớn vào kho tàng hợp chất thiên nhiên biển trên thế giới, góp phần quảng bá và đưa các thông tin về nghiên cứu biển Việt Nam vươn ra quốc tế.
Hình ảnh chiết xuất các hợp chất trên thiết bị sắc ký lỏng điều chế Preparative-HPLC
Từ những loài cầu gai, hải sâm, bọt biển, rong biển…các nhà khoa học đã cùng nhau tách chiết và thử nghiệm thấy rằng, chính trong các sinh vật Biển tưởng chừng như bình thường đó lại có hoạt tính chống ung thư, kháng sinh rất cao.
Với hơn 4 năm nghiên cứu, đã có 405 mẫu sinh vật biển được thu thập và tiến hành sàng lọc hoạt tính sinh học. Sau đó, các nhà khoa học đã phối hợp nghiên cứu, sàng lọc hoạt tính sinh học của một số loài hải miên, hải sâm và nghiên cứu sâu về thành phần hóa học các hợp chất của một số loài có triển vọng theo định các hướng chống ung thư và kháng sinh. Thí nghiệm invitro hoạt tính sinh học của 247/405 mẫu sinh vật biển có các hoạt tính kháng sinh, chống ung thư. Nghiên cứu hóa học theo định hướng hoạt tính sinh học của 5 đối tượng sinh vật biển chọn lọc (gồm: hải miên cành Haliclona sp, bọt biển xốp đen Icrinia echinata, Cầu gai Diadema setosum, hải sâm Holothuria vagabunda và Holothuria scabra); đã tách chiết xác định cấu trúc 30 chất sạch (có 4 chất mới lần đầu tiên được phân lập từ thiên nhiên) cùng những kết quả thử nghiệm hoạt tính sinh học cho thấy một số chất sạch có hoạt tính chống ung thư và kháng sinh rất cao.
Công trình nghiên cứu hệ thống, bài bản về hóa sinh biển, góp phần thúc đẩy và phát triển hướng nghiên cứu về hóa sinh biển ở Việt Nam. Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu và đào tạo cán bộ đã thu được thông qua công trình, Viện nghiên cứu cấp quốc gia có chức năng nghiên cứu cơ bản và ứng dụng về hóa sinh biển đã được thành lập (Quyết định số 470/QĐ-TTg ngày 12 tháng 04 năm 2010 của Thủ tưởng Chính phủ thành lập Viện Hóa sinh biển). Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã xác định hướng nghiên cứu các hoạt chất sinh học biển là một trong các hướng trọng tâm trong chương trình Nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng giai đoạn 2011-2015 của Nhà nước.
Bào chế thuốc điều trị ung thư
GS.TS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chủ nhiệm đề tài từng chia sẻ, ở nước ta, có bờ biển dài hơn 3.260km và vùng thềm lục địa rộng khoảng 1 triệu km2 là khu vực chứa đựng nhiều loài sinh vật biển. Trong số đó, nhóm sinh vật có độc tố (như cá nóc, rắn biển, xoang tràng...) hoặc có chứa các chất hoạt tính sinh học tiềm năng (như hải miên, san hô mềm...) rất phong phú. Tuy nhiên, từ trước đến nay, trong phát triển kinh tế biển, chúng ta chủ yếu chỉ quan tâm tới những loài sinh vật biển có giá trị thực phẩm, hoặc xuất khẩu. Ít quan tâm tới giá trị cung cấp dược liệu và các chất có hoạt tính sinh học cao cho ngành hóa dược.
Sản phẩm Fucoidan từ rong biển của Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang
Với công trình nghiên cứu này, các nhà khoa học ngoài việc phát hiện các dược liệu biển quý còn xây dựng được quy trình chiết xuất các hoạt chất, là cơ sở hình thành các nguyên liệu cho các nghiên cứu sâu hơn về dược lý nhằm cho ra các thuốc điều trị những bệnh hiểm nghèo. Những hoạt chất được phát hiện có khả năng ức chế sự phát triển của một số dòng tế bào ung thư người như: dòng tế bào ung thư vú, ung thư vòm họng, ung thư cổ tử cung… Những nghiên cứu sâu hơn về dược lý đối với các hợp chất phát hiện được là rất cần thiết nhằm đưa ra các loại thuốc điều trị ung thư phục vụ cho những người không may bị mắc căn bệnh hiểm nghèo này.
Dù vinh dự cụm công trình được nhận giải thưởng cao quý, song TS Nam đại diện cho nhóm các tác giả khiêm tốn “những kết quả đã đạt được của cụm công trình mới chỉ là những kết quả bước đầu góp phần thúc đẩy và phát triển hướng nghiên cứu về hóa sinh biển ở Việt Nam”.
Trong thời gian tới, với sự hình thành của Viện Hóa sinh biển, Viện nghiên cứu cấp quốc gia có chức năng nghiên cứu cơ bản và ứng dụng về hóa sinh biển, cùng với sự hợp tác nghiên cứu của các Viện, Tổng cục có chức năng nghiên cứu về tài nguyên Biển như Viện Tài nguyên và Môi trường Biển Hải Phòng, Viện Hải dương học, Viện Hóa học các Hợp chất thiên nhiên, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha trang, Tổng cục Biển… và sự hợp tác của các đơn vị có chức năng nghiên cứu triển khai ứng dụng về hóa dược, việc khai thác nguồn dược liệu Biển Việt Nam sẽ đưa ra được những sản phẩm phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét